Thai Do 1

“Thái độ” là từ khóa mà bạn gặp khá nhiều trong các chủ đề về làm việc nhóm, hay định hướng nghề nghiệp. “Thái độ” hiểu một cách đơn giản là cảm giác và cách cư xử đối với một ai đó, hoặc một điều gì đó. Ở đây có 2 thuật ngữ rất quan trọng, đó là “đối với ai đó” (toward someone) và “đối với điều gì đó” (toward something).

Phân biệt “điều gì đó” (something) và “ai đó” (someone)

Điều gì đó

Ám chỉ sự vật hoặc sự việc, như là một ý tưởng nào đó, một sự thật hay một vật thể nào đó. Nói chung là các thực thể tĩnh, không chứa cảm xúc hay suy nghĩ bên trong chúng. Nói như vậy có nghĩa là khi bạn áp dụng thái độ của bạn vào một điều gì đó, thì hành động áp dụng đó là một chiều, từ phía bạn đến điều đó, bạn sẽ không chịu bất kỳ phản hồi ngược lại nào từ phía chúng. Bạn hoàn toàn có thể dự đoán và mong đợi được kết quả từ việc áp dụng thái độ vào một điều gì đó. Ví dụ thái độ của bạn là yêu thích một món đồ nào đó, bạn dễ dàng dự đoán được, và có quyền mong đợi kết quả “cảm thấy sướng rơn” khi nâng niu món đồ đó.

Ai đó

Chỉ người, tức là có tồn tại cảm xúc, cảm giác, tư duy và thậm chí thái độ bên trong họ. Có nghĩa là bất kỳ khi nào bạn tương tác với ai đó, bạn sẽ ngay lập tức nhận được phản hồi từ họ, và khi bạn áp dụng thái độ của mình vào ai đó, dù là tích cực hay tiêu cực, bạn cũng sẽ nhận lại phải hồi từ họ. Các phản hồi này phụ thuộc vào suy nghĩ, cảm xúc, tư duy và thái độ của người ấy, và các phản hồi này có xu hướng trở thành “chuỗi phản hồi qua lại” thay vì chỉ dừng ở một phản hồi duy nhất, đặc biệt là, bạn chẳng thể nào dự đoán được kết quả phản hồi của các tương tác này, bởi nó không nằm trong tầm kiểm soát của bạn, nó thuộc về người mà bạn đang tương tác.

Phân biệt sự khác biệt giữa “thái độ đối với điều gì đó” và “thái độ đối với ai đó”, giúp quản lý “thái độ” để đạt hiệu quả cao nhất trong công việc. 

Lựa chọn hướng tiếp cận của thái độ (attitude approach)

Chúng ta đã biết, việc thái độ đối với điều gì đó tỏ ra ít rủi ro hơn, bởi những phần hồi là có thể dự đoán và nắm bắt được. Ngược lại, việc thái độ đối với ai đó lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro không dự đoán được, nhưng một điều khá thú vị là việc thái độ với ai đó nhiều khi lại mang lại cho bạn những phản hồi tích cực ngoài mong đợi, nếu bạn đang gửi đi những thái độ tích cực.

Lua Chon

Như vậy, lựa chọn tốt nhất đối với quản lý thái độ là:

  • Luôn cố gắng giữ chủ thể của “thái độ” là “điều gì đó” thay vì “ai đó”.
  • Đối với ai đó, hãy đảm bảo bạn chỉ gửi đi “thái độ tích cực” để tăng cơ hội nhận được các phản hồi tích cực.
  • Nếu thái độ của bạn dành cho ai đó có xu hướng tiêu cực, hãy biến nó thành “thái độ đối với điều gì đó”.

Vậy làm sao để biến thái độ tiêu cực đối với ai đó thành “thái độ đối với điều gì đó”? 

Bộ não của chúng ta có một số cơ chế khá thú vị như sau:

  1. Nó dễ bị lơ là khỏi một điều gì đó nếu bạn nạp cho nó nhiều thông tin khác mà nó quan tâm.
  2. Nó có khả năng bật chế độ mặc kệ khi nó bị tràn (overwhelm).

Như vậy, mỗi khi bạn nhận ra mình có xu hướng áp dụng thái độ tiêu cực lên ai đó, hãy thử điều này nhé:

Bước 1: “chuyển chủ thể ai đó thành cái gì đó”.

Sự thật là một khi bạn đã áp dụng thái độ tiêu cực lên ai đó, rất khó để ra lệnh cho bộ não rằng hãy bỏ điều đó đi, bởi khi này, “thái độ” và “người đó” là tất cả những gì bộ não của bạn quan tâm.

May mắn là, bạn không thể ra lệnh cho nó bỏ điều đó đi, nhưng bạn hoàn toàn có thể dụ nó quan tâm tới thứ khác có liên quan, bạn hãy đặt ra những câu hỏi sau để não của bạn trả lời: 

  • Anh ấy / cô ấy làm điều đó để làm gì?
  • Anh ấy / cô ấy làm điều đó như thế nào?
  • Tại sao anh ấy / cô ấy lại muốn như thế?
  • ….

Nói chung là bạn vẫn để cho bộ não quan tâm đến anh ấy / cô ấy, nhưng tập trung vào “điều gì đó có liên quan đến người đó” bằng cách đặt câu hỏi và trả lời. Điều này sẽ giúp não của bạn được thỏa mãn với sự quan tâm, và dần dần nới lỏng chủ thể “ai đó” ra, tập trung nhiều hơn vào chủ thể “điều gì đó”.

Bước 2: làm cho não bạn bị tràn khỏi “thái độ đối với ai đó”.

Từ bước 1, khi bạn liên tục đặt câu hỏi như vậy, đối với mỗi câu hỏi, khi trả lời xong bạn sẽ thấy có nhiều các mối liên kết khác khiến bạn cảm thấy thú vị.

Liên tục đặt câu hỏi và trả lời như vậy giúp bạn 2 chuyện: đầu tiên là làm tràn mối quan tâm về “thái độ tiêu cực với ai đó” trong bộ não của bạn, và nó sẽ bật chế độ mặc kệ, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và trở nên khách quan hơn rất nhiều.

Thứ 2 là khi bạn trả lời câu hỏi, nó giúp bạn thấu cảm đối phương hơn, cho bạn cơ hội chuyển thể thái độ tiêu cực thành thái độ tích cực, và chúng ta đều biết, thái độ tích cực với ai đó sẽ có khả năng mang lại cho bạn những phản hồi tích cực.

Tóm tắt

Lua Chon Thai Do

Và đó là cách để bạn quản lý thái độ của mình nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công việc, cũng như xử lý công việc khách quan hơn. Một cách ngắn gọn:

  • Luôn giữ thái độ đối với điều gì đó, thay vì ai đó.  Đương nhiên, thái độ càng tích cực, thì kết quả bạn có thể mong đợi càng tích cực.
  • Đảm bảo chỉ gửi đi thái độ tích cực đối với ai đó.
  • Nếu có xu huống thái độ tiêu cực với ai đó, hãy chuyển nó thành thái độ tích cực, hoặc thái độ đối với điều gì đó bằng cách làm lơ là và tràn thái độ tiêu cực trong bộ não.